Hiện nay chất lượng của các giống cà phê vối cũ ở Việt Nam đã không còn mang lại hiệu quả cho bà con nông dân bởi đa phần các giống đều đã quá già cỗi với tỷ lệ nhiễm bệnh gỉ sắt cao, năng suất của vườn ngày càng thấp.
Chất lượng hạt cà phê không cao bởi kích cỡ hạt bé với trọng lượng 100 nhân chỉ khoảng 13 đến 14g. Chính vì vậy việc thay thế giống cà phê cũ bằng một giống cà phê chất lượng hơn đang là một trong những nhu cầu cấp thiết của bà con nông dân. Kỹ thuật ghép chồi cải tạo đang là một trong những giải pháp hiệu quả cho bà con nông dân.
Kỹ thuật ghép chồi cải tạo giúp vườn cây nâng cao năng suất chất lượng vườn cây với các dòng vô tính chọn lọc có chất lượng cao như TR4, TR9. Tỷ lệ cây ghép có thể sống trên 90%, chi phí ghép cây thấp, cây có thể cho năng suất sau 18 tháng nên thời gian hoàn vốn nhanh hơn nhờ khả năng tận dụng được bộ rễ của vườn cây giúp cây phục hồi nhanh chóng hơn. Để kỹ thuật ghép được thành công bà con cần chú ý các kỹ thuật ghép dưới đây.
Cần căn cứ vào điều kiện sinh thái ở địa phương để chọn lựa chồi ghép của các dòng vô tính được nhà nước công nhận, chồi ghép cần đáp ứng được những tiêu chuẩn dưới đây:
- Chồi ghép cần lấy từ các vườn nhân chồi đạt tiêu chuẩn.
- Chồi ghép cần lấy từ phần thân hoặc ngọn của chồi vượt.
- Chồi ghép cần dài từ 4 đến 5 cm.
- Sau khi cắt chồi cần được bảo quản kỹ lưỡng để tránh khiến chồi bị héo do mất nước.
- Nên lấy chồi từ những vườn cây đã được bón phân ít nhất từ 7 đến 10 ngày.
Thời vụ và kỹ thuật cưa cây.
Tại các tỉnh Tây Nguyên thời điểm cưa cây thích hợp thường vào khoảng tháng 3 đến tháng 4. Khi cưa cầy cần tiến hành cưa cắt mặt đất khoảng 30 đến 35cm, mặt cắt nghiêng 45 độ theo hướng Đông hoặc Đông Bắc. Trước khi cưa cần tiến hành rong tỉa tất cả những cành hay chồi già của cây. Sau khi cưa cần tiến hành dọn sạch vườn, thu gom tất cả những cành bỏ ra khỏi vườn và tiến hành cày xới đất thật tơi xốp trước khi tiến hành ghép.
Thời vụ và kỹ thuật ghép.
Cây cà phê có thể tiến hành ghép quanh năm, tuy nhiên thời điểm ghép thích hợp nhất thường vào tháng 5 và tháng 6, khoảng 2 tháng sau khi cưa. Khi các chồi tái sinh đã đạt đủ tiêu chuẩn có từ 1 đến 2 cặp lá, đường kính chồi từ 6 đến 8 mm, chồi có chiều cao từ 20 đến 30 cm thì chúng ta có thể tiến hành ghép cây.
Kỹ thuật ghép thông thường (ghép hở có chụp).
- Đầu tiên bà con cần tiến hành cắt bỏ phần ngọn thân của chồi làm gốc ghép, nên cắt ở đoạn thân cách nách lá bên dưới khoảng 3 đến 4 cm.
- Chẻ dọc phần giữa thân một đoạn ngắn khoảng 2 cm.
- Đối với chồi ghép cần được cắt vát thành hình cái nêm có độ dài khoảng 2 cm, độ dài cần tương ứng với vết chẻ ở góc ghép.
- Tiến hành đặt phần gốc chồi ghép vào vết chẻ sao cho phần vỏ của gốc ghép và chồi ghép áp chặt vào nhau.
- Sử dụng dây nilon để buộc chặt vết ghép. Cần tiến hành buộc vòng ngoài cùng rồi quấn từ dưới lên trên.
- Sau khi ghép cần tiến hành bao kín chồi ghép bằng túi nilon, đối với gốc ghép cần bao kín lại bằng túi giấy để ngăn không cho nước thấm vào.
- Trên mỗi gốc ghép cần phân bố đều để từ 2 đến 3 chồi ghép.
Kỹ thuật ghép cải tiến (ghép kín không chụp).
Đối với phương pháp ghép cải tiến này chúng ta có thể tiết kiệm được chi phí bao chụp nilon và bao giấy ở bên ngoài gốc ghép và chồi ghép, có thể kiếm tra chồi ghép một cách dễ dàng nhưng cần phải lấy chồi ghép trong mùa khô và cần tiến hành ghép trong điều kiện thuận lợi.
Trước khi ghép cần tiến hành xử lý chồi ghép, cắt bỏ hết các lá trên chồi ghép rồi tiến hành ghép như thông thường nhưng ở giai đoạn cuối sử dụng các loại dây ghép chuyên dùng để bọc kín lên toàn bộ chồi ghép và không cần bao chụp bên ngoài. Sau khi chồi ghép tiếp hợp với gốc ghép thì sẽ sinh trưởng và tiến hành bung chồi non ra khỏi dây ghép và phát triển.
Sau khi ghép thì chất lượng của cây cà phê không bị ảnh hưởng bởi giống của gốc ghép, tỷ lệ sống của chồi ghép lên tới 90%. Bà con có thể tiến hành ghép bổ sung cho những cây chết ở lần ghép đầu sau khoảng 20- 30 sau khi ghép.
Những cây ghép không có sự tương hợp giữa gốc ghép và chồi ghép thường có dấu hiệu sinh trưởng kém, ít cành thứ cấp và có nhiều cành khô nên bà con có thể khắc phục hiện tượng này bằng cách ghép từ 1 -2 dòng vô tính khác nhau trên cùng một gốc ghép.