Một trong những bệnh hại thường xuất hiện mạnh vào mùa mưa khi ẩm độ của vườn tiêu tăng cao, nhất là những vườn tiêu rậm rạp không có độ thông thoáng chính là bệnh khô vằn.
Với các diễn biến bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây tiêu. Bà con cần phát hiện và phòng trì kịp thời trước khi bệnh lây lan và khiến vườn tiêu mất năng suất. Để giúp bà con nhanh chóng nhận diện và phòng trị kịp thời bệnh hại nguy hiểm này, chúng ta cùng tìm hiểu về bệnh khô vằn trên cây tiêu và các biện pháp phòng trừ bệnh ngay bây giờ nhé!
Nguyên nhân gây bệnh.
Do nấm Rhizoctonia solani gây ra.
Các hạch nấm thường nằm sâu trong đất, khi gặp điều kiện thuận lợi như mưa nhiều, đất ngập úng hay độ ẩm không khí cao các sợi nấm sẽ mọc ra và xâm nhập vào các vết thường hở hoặc tấn công vào các phần lá gần sát gốc.
Triệu chứng.
Bệnh thường xuất hiện ở mép lá hoặc giữa phiến lá. Đầu tiên vết bệnh sẽ xuất hiện ở dạng thối đen sau đó sẽ có những viền màu nâu đỏ sẫm xung quanh vết bệnh. Bệnh chuyển dần sang màu trắng xấm và tạo thành các quầng loang lỗ trên lá tiêu. Vết bệnh thường có kích thước to nhỏ không đều, càng về sau các vết bệnh sẽ trở nên phồng rộp và xuất hiện những hạch nấm li ti màu trắng trên bề mặt lá. Khi bệnh nặng lá cây sẽ bị thối đen, nhũn ra và cây ngừng sinh trưởng.
Vào những đợt mưa nhiều các vết bệnh sẽ xuất hiện những sợi nấm màu trắng trên bề mặt và bảo phủ toàn bộ cành, lá. Bà con cần tinh ý phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
Phòng trừ bệnh khô vằn trên cây tiêu sẽ giúp bạn có được một vườn tiêu đẹp và năng suất cao.
Biện pháp phòng trừ.
Để phòng trừ bệnh khô vằn trên cây tiêu bà con cần chú ý đến các biện pháp chăm sóc, bón thân và tưới nước hợp lí để cây tiêu được sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Thường xuyên thăm vườn thường xuyên để nhận biết các dấu hiệu của bệnh.
Thường xuyên rong tỉa các loại cây che bóng để tạo độ thông thoáng trong vườn tiêu, nhất là trong mùa mưa để độ ẩm trong vườn không quá cao sẽ tạo sự phát triển của nấm.
Xem thêm: Cách phòng trừ bệnh thán thư hiệu quả trên cây tiêu
Vệ sinh vườn cây, loại bỏ các dây lươn hoặc cành nhánh nằm sát mặt đất. Sử dụng thêm các vật liệu hữu cơ như rơm rạ, cây ngô, cây đậu đỗ để phủ lên bề mặt đất, không để đất bắn lên lá cây. Đất sẽ mang theo bào tử nấm tấn công vào bề mặt lá.
Loại bỏ ngay những phần cành, lá bị bệnh, tiêu hủy khỏi vườn cây. Tiến hành phòng trừ bệnh ngay khi phát hiện bằng các loại thuốc trừ nấm như Carbenzim 500 FL, Derosal 50 SC, Viben C 50 BTN, Tilt 250 EC với nồng độ 0,2 – 0,3 %, phun 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày, chú trọng phun thuốc vào những vùng bị nhiễm bệnh nặng và phun liều lượng theo đúng hướng dẫn trên bao bì.
Bạn cần biết: Giống tiêu trâu triển vọng 2016
Bệnh khô vằn ảnh hưởng trực tiếp đến sự quang hợp, phát triển của cây tiêu nên bà con cần chú ý các dấu hiệu của bệnh và phòng trừ kịp thời để cây sinh trưởng và cho năng suất ổn định nhất.