Sau khi gieo ươm thì kỹ thuật chăm sóc ca cao trong vườn ươm cũng đòi hỏi những kỹ thuật cực kỳ quan trọng trong chế độ nước tưới hay bón phân. Ngoài ra việc điều chỉnh ánh sáng trong vườn ươm cũng quyết định điều kiện của cây con xuất vườn nhiều hơn. Vậy kỹ thuật chăm sóc cây con như thế nào là đúng tiêu chuẩn, tài liệu dưới đây đã được Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu và thực nghiệm đầy đủ, mời quý bà con cùng tham khảo.
Tưới nước.
Tùy theo độ ẩm của đất trong bầu và điều kiện thời tiết của địa phương, vị trí của nguồn nước tưới bà con nên chú ý tưới cây con khoảng 1 đến 2 lần mỗi ngày. Nên sử dụng thùng ô doa để tưới được kỹ lưỡng hơn. Bà con cần chú ý tưới nước đầy đủ cho cây con trong giai đoạn này để đảm bảo cây được sinh trưởng và phát triển tốt nhất. Trung bình khoảng 1000 cây con thực sinh thì cần tới 90 đến 115 lít nước cho một lần tưới.
Làm cỏ và phá váng mặt bầu.
Bà con chú ý thăm vườn thường xuyên và nhổ bỏ cỏ trên mặt bầu để chúng không mọc quá lớn ảnh hưởng đến bộ rễ của cây con. Nếu thấy trên mặt bầu bắt đầu đóng váng thì bà con cần dùng tay bóp mặt mặt bầu hoặc xới xáo nhẹ để phá váng cho mặt bầu được thông thoáng hơn, làm tơi đất trong bầu để tăng khả năng thấm hút nước và trao đổi khí giúp bộ rễ phát triển tốt hơn. Phá váng mặt bầu còn giúp cây ca cao tránh được bệnh lở cổ rễ.
Gieo dặm.
Trong quá trình chăm sóc cần quan sát những hạt giống không nảy mầm hoặc cây sinh trưởng yếu thì nhổ bỏ ra khỏi vườn và xới xáo lại đất rồi trồng thay thế bằng một hạt giống khác.
Bón phân.
Khi cây ca cao đã bắt đầu xuất hiện một tầng lá ổn định thì bà con có thể bón phân hóa học để tăng khả năng sinh trưởng và vươn cành cho cây. Mỗi tháng có thể sử dụng phân NPK pha loãng với nước nồng độ 1% để bón thúc cho cây. Nếu có điều kiện nên bón thêm một số loại phân vi lượng để tăng sức đề kháng cho cây. Trước khi đem cây đi trồng thì không nên bón phân hóa học 15 ngày để cây được sinh trưởng tốt, cứng cáp hơn và không bị chết khi đem trồng. Sau khi bón thúc phân bằng cách tưới phân hóa học thì nên tưới lại một lần bằng nước lã thông thường để tránh hiện tượng cháy lá.
Điều chỉnh ánh sáng của giàn che.
Khi cây mới gieo hạt bà con cần chú ý che phủ cho cây, chỉ nên để khoảng 20- 30% ánh sáng lọt vào. Đến khi cây bắt đầu có một tầng lá và bón phân hóa học thì có thể dỡ bớt giàn che và để lại khoảng 50% ánh sáng lọt vào. Khi cây bắt đầu vươn cao và đã có hai tầng lá bà con có thể tháo bớt giàn che và chỉ để lại 25% ánh sáng. Trước khi mang cây ra vườn trồng khoảng từ 10 đến 15 ngày nên dỡ hết giàn che để cây quen dần với ánh sáng tự nhiên. Không nên che phủ quá kín rồi tháo dàn đột ngột cây sẽ không thích nghi kịp thời, dễ bị héo.
Phòng trừ sâu bệnh.
Cây ca cao thời kỳ cây con thường dễ nhiễm nấm phytophthora palmivora nên bà con cần chú ý kiểm tra vườn thường xuyên để phát hiện dấu hiệu của bệnh thật kịp thời. Thông thường khi phát bệnh cây sẽ trở nên héo rũ và thối thân. Cách phòng trừ bệnh do nấm phytophthora như sau:
- Cần chú ý sử dụng nguồn đất sạch, không có nhiễm sâu bệnh.
- Cần sử dụng loại phân hữu cơ sạch đã được ủ hoai từ 1 năm trở lên và xử lý các loại nấm bệnh đầy đủ.
- Đất cần được phơi ải trước khi trộn phân làm bầu.
- Chỉ nên tưới nước cho cây khoảng 1 đến 2 lần mỗi ngày, không nên tưới nước quá ẩm cho bầu đất.
- Trong những ngày mưa dầm cần chú ý dỡ bớt giàn che và có hệ thống thoát nước hợp lý.
- Vệ sinh vườn ươm sạch sẽ.
- Thường xuyên thăm vườn thường xuyên, nếu phát hiện dấu hiệu của nấm bệnh thì nên sử dụng các loại thuốc gốc đồng hoặc các thuốc hóa học như Alliette hoặc Ridomil với nồng độ từ 0,1 đến 0,2 % để phun cho cây với chu kỳ khoảng 15 đến 20 ngày thì phun một lần.
Trướ khi cây con xuất vườn nên phun thuốc Confidor để trừ rệp và mối tấn công khi trồng mới. Các loại sâu ăn lá không gây hại nghiêm trọng, có thể sử dụng các biện pháp cơ giới hoặc vật lý để loại trừ.
Đào bầu.
Cây ca cao sau khi gieo ươm được khoảng 2 tháng tuổi cần đảo bầu và sắp xếp những cây yếu ra bên ngoài để tạo độ thoáng và tăng thêm ánh sáng để cây có thể vườn cao hơn.
Trước khi trồng 1 tháng cần chọn lựa những cây con đủ tiêu chuẩn xuất vườn để xếp riêng, đối với những cây con yếu ớt cần xếp riêng để chăm sóc đặc biệt cho cây.
Tiêu chuẩn của cây con xuất vườn:
- Cây đã được ươm trồng từ 4 đến 6 tháng.
- Chiều cao của thân cây tính từ mặt bầu đạt từ 40 đến 45 cm, thân cây mọc thẳng.
- Đường kính gốc từ 5 đến 6 mm.
- Có tầng lá ổn định từ khoảng 2 tầng lá trở lên.
- Cây mọc thẳng, không bị dị hình và mắc sâu bệnh. Cây đã được dỡ dàn che khoảng từ 10 đến 15 ngày trở lên.