Trong mùa mưa, cây cà phê hay các cây công nghiệp khác như ca cao, chè, tiêu, cây ăn quả đều dễ mắc bệnh nấm hồng làm cành bị chết khô, dẫn tới quả khô héo và rụng non. Với sự lây lan bệnh nhanh và gây thiệt hại lớn, bệnh nấm hồng là một trong những bệnh hại được đưa vào danh sách cần được phòng trừ và điệu trị nhanh chóng để không gây ảnh hưởng nặng nề đến cả vườn cây. Để nhận biết được bệnh nấm hồng và thực hiện các biện pháp phòng trừ hiệu quả, chúng ta cùng tìm hiểu tất cả các nguyên nhân phát sinh ra bệnh nấm hồng thông qua bài viết này nhé.
Triệu chứng và tác hại của bệnh nấm hồng.
Bệnh nấm hồng do nấm Coricium salmonicolor gây ra.
Bệnh nấm hồng xuất hiện chủ yếu ở trên cành, nhưng nơi phân giáp với thân hoặc cành mọc ngang (đây là những cành mang trái). Ban đầu bệnh chỉ xuất hiện một số đốm màu hồng nhạt, nhẵn. Sau đó dần đần vết bệnh phát triển mạnh hơn, các vết bệnh dày lên và có màu hồng đậm. Trên bề mặt của vết bệnh sẽ có những bào tử nấm màu hồng nhạt mịn. Khi vết bệnh nặng sẽ có màu trắng xám và lan nhanh lên hết cành.
Nếu trong thời tiết thuận lợi, bệnh nấm hồng sẽ phát triển rất nhanh, chúng sẽ chạy dọc theo cành và dần dần bao bộc hết tất cả càn trên cây. Các nấm ký sinh sẽ xâm nhập vào lớp vỏ cây và phá hoại mạch dần khiến cây không thể hút nước và dinh dưỡng lên phía trên làm toàn bộ lá không thể quang hợp, nhanh chóng bị úa vàng và rụng lá. Cành quả bị xâm hại, chết khô dẫn tới trái bị rụng non. Cây sinh trưởng kém và ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất cây cà phê.
Cây cà phê trong giai đoạn kiến thiết cơ bản thường bị chết nếu mắc phải bệnh nấm hồng.
Đối với cây cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh, mức độ ảnh hưởng của bệnh nấm hồng phụ thuộc vào khả năng kháng bệnh của từng cây. Nếu cây bị nặng có thể chết ½ tán cây ở trên.
Điều kiện phát sinh của bệnh nấm hồng.
Bệnh nấm hồng phát sinh do điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao, có nhiều ánh sáng. Bệnh thường xuất hiện ở tầng giữa và tầng trên của cây cà phê.
Tại Tây Nguyên thì bệnh nấm hồng thường phát sinh vào tháng 6. 7 và phát triển mạnh vào tháng 8, tháng 9. Đặc biệt là trong giai đoạn thời tiết nóng ẩm của mùa mưa sẽ tạo điều kiện cho bệnh phát triển mạnh.
Biện pháp phòng và trị bệnh nấm hồng.
- Để tăng độ thông thoáng, giảm bớt ẩm độ trong tán lá và tăng cường ánh sáng trực xạ cho vườn cây chúng ta cần trồng cà phê ở mật độ hợp lý, thường xuyên loại bỏ những cành nằm khuất trong tán lá, hoặc những cành bị sâu bệnh.
- Bố trí hệ thống thoát nước hợp lí để giảm độ ẩm trong mùa mưa tránh tạo điều kiện cho bệnh phát sinh.
- Thường xuyên cắt bỏ những cành đã bị bệnh và đưa ra khỏi vườn cây tiêu hủy, tránh bệnh lây lan.
- Thường xuyên đi thăm vườn, kiểm tra vườn thường xuyên để phát hiện bệnh kịp thời và sử dụng thuốc hóa học để điều trị sớm nhất.
Nếu phát hiện bệnh phát sinh trên những cành cây lớn thì bạn cần sử dụng ngay thuốc: Bordeaux, Saizole 5SL, Anvil 5SC, … pha với nồng độ 5% để quét lên cành, hai lần mỗi lần cách nhau 10 ngày.
Nếu phát hiện bệnh phát sinh trên những cành cây nhỏ bạn có thể pha thuốc trên với tỉ lệ được in trên nhãn thuốc rồi phun vào những vùng bị bệnh. Bạn có thể pha thêm 2% dầu khoáng SK Enspray 99EC phun định kỳ 14 ngày/1 lần đến khi bệnh được trị hoàn toàn.
Ngoài ra bạn nên lựa chọn giống cà phê TR4 để có thể chống chịu được sâu bệnh tốt.
Nếu phát hiện bệnh có trạng thái lây lan, bạn nên phun thuốc trên diện rộng để phòng trừ. Hãy chăm sóc vườn cây hiệu quả và bón thêm phân để cây tăng sức sinh trưởng và phục hồi nhanh chóng.