Trong quá trình trồng tiêu, bà con luôn phát hiện ra trên lá tiêu những đốm nhỏ màu nâu đen, sau đó lan rộng dần và khiến cây tiêu xơ xác, đây là dấu hiệu của bệnh đen lá trên cây tiêu.
Dấu hiệu của bệnh đen lá khá giống với bệnh thán thư trên cây tiêu nên nhiều bà con thường nhầm lẫn. Để giúp bà con có thể phân biệt, phát hiện được bệnh sớm và có những biện pháp khắc phục kịp thời chúng ta cùng đi sâu tìm hiểu về triệu chứng và cách phòng trừ bệnh đen lá trên vườn tiêu nhé!
Nguyên nhân gây bệnh.
Do nấm Lasiodiplodia theobromae gây ra.
Nấm thường tồn tại ở trong đất từ tàn dư của các cây bệnh cũ. Bệnh thường phát sinh ở những vùng tiêu có độ ẩm vườn cao, cây bị úng nước, trời nóng và có mưa nhiều. Bệnh thường bùng phát mạnh trong mùa mưa.
Triệu chứng của bệnh.
Khi cây tiêu bị nấm tấn công, ban đầu chỉ xuất hiện những vết bệnh ở đầu lá và giữa lá, những vết bệnh có màu vàng nhạt sau đó màu sắc bắt đầu đậm dần và chuyển sang màu nâu đen. Khi bệnh nặng các vết bệnh sẽ chuyển sang màu xám, xuất hiện những vòng quầng đồng tâm. Tuy nhiên khác với bệnh thán thư, vết bệnh sẽ chỉ có màu đen đơn thuần và ăn dần vào từng mô tế bào của lá chứ không có viền đen bao quanh phân cách giữ phần mô bệnh và mô khỏe. Bà con chỉ cần chú ý điểm này để phân biệt giữa hai loại bệnh khác nhau.
Xem thêm: Kỹ thuật trồng tiêu đạt năng suất cao
Trong trường hợp vườn tiêu không được chăm sóc đầy đủ, cây thiếu chất dinh dưỡng và có sức đề kháng yếu thì bệnh có thể xâm nhập vào cả cành, nhánh làm các đốt tiêu bị nâu đen và rụng dần từ trên ngọn xuống khiến cây tiêu trở nên xơ xác và dừng sinh trưởng.
Biện pháp phòng trừ.
Để phòng trừ bệnh đen lá trên cây tiêu cần áp dụng kết hợp các biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại như sau:
- Trồng tiêu ở mật độ thích hợp.
- Chú ý các biện pháp tạo hình và rong tỉa cây che bóng thường xuyên để vườn tiêu được thông thoáng, nhất là khi đầu mùa mưa nên loại bỏ hết những cành rậm rạp trên cây che bóng.
- Bón phân và tưới nước hợp lí để cây được sinh trưởng tốt nhất, bổ sung thấp các loại phân hữu cơ, phân chuồng để cải tạo đất. Có thể sử dụng một số vật liệu để che tủ gốc cho cây tiêu như rơm rạ, cây đậu đỗ, cây ngô.
- Cắt bỏ những dây lươn hoặc cành nhánh nằm sát mặt đất hoặc cách mặt đất khoảng 30 cm.
- Thường xuyên kiểm tra vườn cây và phát hiện bệnh sớm, loại bỏ và vệ sinh vườn tiêu bị bệnh, thu gom tất cả lá và dây tiêu ra khỏi vườn để tiêu hủy, không để mần bệnh còn sót lại trong vườn tiêu.
- Khi phát hiện bệnh có thể sử dụng một số thuốc hóa học phòng trừ bệnh thán thư để sử dụng cho vườn tiêu bị bệnh đen lá như: Carbenzim 500 FL, Derosal 50 SC, Viben C 50 BTN, Tilt 250 EC với nồng độ 0,2 – 0,3 %, phun 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày, tập trung phun vào những chỗ xuất hiện bệnh nhiều.
Bệnh đen lá tuy không nguy hiểm như bệnh chết nhanh và bệnh chết chậm tuy nhiên có thể khiến vườn tiêu trở nên xơ xác, năng suất cây giảm và ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của cây nên bà con cần chú ý phát hiện dấu hiệu của bệnh để phòng trừ kịp thời, đảm bảo vườn tiêu luôn được sinh trưởng tốt nhất nhé!