Kỹ thuật tỉa cành tạo tán cho cây ca cao ghép

Để tránh mua phải cây giống kém chất lượng. Bà con vui lòng chỉ liên lạc tới số 0966.25.17.86 để được tư vấn

Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bà con kỹ thuật tỉa cành tạo tán cho cây ca cao trồng bằng gốc ghép để tạo cho cây có một thân ghép khỏe mạnh, mọc thẳng đứng và có khả năng phân được nhiều cành cấp 1 để làm cơ sở cho cây có khung tán ổn định. Việc tạo tán dạng chuẩn cho cây ca cao sẽ có rất nhiều lợi ích và phương pháp để thực hiện như sau:

Đối với dạng hình cây ca cao chuẩn.

Cây ca cao có thân phát triển từ cành ghép thường không tăng trưởng thẳng đứng và thường mọc nghiêng, nhất là những mầm ghép lấy từ những cành ngang nên thông thường các chồi nách thường phát triển sớm. cây lấy mầm ghép từ thân chính hoặc cành vượt thì khả năng phát triển của cây thường thẳng đứng với nhiều tầng cành.

Đối với dạng hình cây ca cao chuẩn thì cây ca cao cần đáp ứng như yêu cầu dưới đây:

  • Cây phải có một thân chính khỏe mạnh và mọc thẳng.
  • Cây có 3 đến 5 cành cấp 1.
  • Cành cấp 1 đầu tiên có vị trí cách với mặt đất ít nhất là 50 cm.
  • Các cành mọc đều khắp các hướng.
  • Tán lá tròn đều và cân đối.

Bà con có thể tham khảo dạng hình cây ca cao dưới đây:

ky thuat tia canh tao tan cho ca cao

Lợi ích của việc tỉa cành tạo tán cho cây ca cao.

Khi cắt tỉa thường xuyên cây các chồi vượt, cành tăm, cành chết, cành gãy và các loại cành yếu và bị bệnh cây ca cao sẽ tập trung được dinh dưỡng để nuôi các cành chính, giúp thân ghép sinh trưởng nhanh và phát triển mạnh hơn từ đó giúp cây sớm có một dạng hình với bộ tán tiêu chuẩn với 1 thân chính mọc thẳng.

Ngoài ra việc tỉa cành tạo tán cho cây ca cao còn giúp vươn cây thông thoáng, giảm sự phát triển của các loài sâu bệnh hại từ đó giảm thiểu lượng thuốc BVTV trong vườn cây.

tỉa cành ca cao

Tỉa cành tạo tán hợp lý cho cây ca cao sẽ giúp cây cho năng suất ổn định.

Các biện pháp tỉa cành tạo tán cho cây ca cao.

Việc tỉa cành tạo tán cho cây ca cao cần được tiến hành ngay từ khi mới trồng và trong suốt giai đoạn cây con bởi thời điểm này cây con đang phân cành mạnh và việc định hình cho tán cây sẽ dễ dàng hơn khi cây đã khép tán. Để tạo tán cho cây ca cao chúng ta cần tiến hành 4 công đoạn chính gồm có tỉa chồi vượt, tỉa chồi mọc thấp và áp dụng thêm các biện pháp kích thích cây phân cành cũng như cố định cho cây.

  • Tỉa chồi vượt.

Những chồi non mọc ra từ gốc ghép và có lá mọc xoắn theo hình ốc chính là chồi vượt.  Chồi vượt là nguyên nhân chính khiến thân cây ghép không thể phát triển do cạnh tranh dinh dưỡng nên khiến cây mọc bị lệch tán. Khi phát hiện ra chồi vượt bà con cần chú ý loại bỏ ngay.

  • Tỉa cành và chồi cấp 1 mọc thấp.

Trong quá trình trồng nếu cây có nhiều thân ghép (chồi mọc ra từ bộ phân ghép)  hay nhiều cành cấp 1 (phần chồi non mọc ra từ thân ghép) hoặc có rất nhiều cành cấp 1 (cành mọc ra từ thân ghép đã hóa gỗ) mọc quá thấp thì bà con cần tiến hành loại bỏ những chồi và cành mọc thấp này càng sớm càng tốt để tránh cạnh tranh dinh dưỡng và làm lệch tán cây.

Nếu cây ghép vẫn còn yếu và chiều cao cây vẫn thấp hơn 40 cm thì bà con chỉ nên tỉa bỏ những chồi mọc thấp, cách gốc dưới 20 cm. Khi cây đã phát triển thì chúng ta nâng dần chiều cao của thân lên.

Trong trường hợp cây có hai thân thì bà con cần chọn lựa thân cành khỏe và nhiều lá hơn, loại bỏ thân yếu hơn. Chỉ giữ lại một thân duy nhất để cành được phát triển tập trung. Trong trường hợp cả hai cành đều khỏe và không muốn cắt bỏ thì bà con cần chú ý tiến hành cắt bỏ những cành mọc thấp để tập trung dinh dưỡng cho cây.

  • Kích thích cây phân cành.

Trước khi kích thích cây phân cành bà con cần chú ý điểu chỉnh lại bóng che  và nước tưới cho cây. Bà con có thể áp dụng biện pháp hãm ngọn để kích thích thân ghép ra chồi và tạo ra nhiều cành cấp 1 hơn như sau:

Đối với những thân ghép cao hơn 1 mét thì dùng kéo cắt phần ngọn để đoạn thân chỉ còn lại khoảng 80 cm là vừa đủ.

Dối với những thân ghép có chiều cao khoảng 80 cm và đang có lá non thì đợi lá chuyển sang bánh tẻ rồi hãm ngọn ngay vị trí đoạn lá bánh tẻ trên cùng.

Sau khi hãm ngọn cây sẽ bắt đầu ra chồi, bạn sẽ cần chú ý loại bỏ ngay những đoạn chồi thấp dưới 50 cm.

Thời điểm hãm ngọn tùy thuộc vào chiều cao của cây ca cao và khả năng phân cành của thân cây ghép chứ không phụ thuộc vào độ tuổi của cây. Những cây có thể hãm ngọn có thể áp dụng ở những trường hợp sau:

Đối với cây ca cao có thân ghép cao hơn 80 cm và các cơi lá đã thuần thục nhưng cây không có cành cấp 1 hoặc cành cấp 1 yếu ớt.

Đối với những cây ca cao có thân ghép cao hơn 80 cm và đã có cành cấp 1 nhưng cành cấp 1 lại mọc quá sát gốc.

Thông thường thì thường điểm hãm ngọn thường vào khoảng từ 6 đến 9 tháng sau khi trồng ca cao.

  • Cố định cây.

Vì bộ rễ của cây ca cao chỉ tập trung ở tầng đất mặt là chủ yếu nên bà con cần chú ý cố định cây để hạn chế lay gốc, đổ cây và giúp đoạn thân cây được mọc thẳng. Cần áp dụng biện pháp cố định ngay từ đầu.

Bà con có thể sử dụng những cây tre, le, gỗ có chiều dài khoảng 70 đến 80 cm rồi cắm chắc xuống mặt đất. Nên cắm nghiêng về phía gốc cây rồi dùng dây nilon hoặc dây mềm như vải cũ để buộc thân ca cao và giữ cho thân cây mọc thẳng.

Posted in: Ca Cao
Hãy để lại nhận xét về bài viết này, chúng tôi sẽ ghi nhận và giúp đỡ bạn
hotline viện eakmat