Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất tiêu trong nước

Để tránh mua phải cây giống kém chất lượng. Bà con vui lòng chỉ liên lạc tới số 0966.25.17.86 để được tư vấn

Hiện nay Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 35% tổng sản lượng xuất khẩu trên thị trường. Cây hồ tiêu ở một số vùng trọng điểm như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đang được thâm canh cao độ, năng suất bình quân của nhiều vùng đạt trên 3 tấn tiêu đen/ha, cá biệt có những vườn đạt năng suất 7 – 10 tấn tiêu đen/ha.

Các công trình nghiên cứu về cây tiêu ở Việt Nam còn rất ít, phần lớn được tập trung  nghiên cứu về sâu bệnh hại. Những nghiên cứu có hệ thống về giống, kỹ thuật canh tác và phòng trừ sâu bệnh hại mới được đầu tư từ năm 2000 trở lại đây với các đề tài cấp bộ và cấp nhà nước do các Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Viện Bảo vệ thực vật làm chủ trì.

vườn tiêu

Kết quả điều tra, nghiên cứu của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy, bộ giống tiêu đang trồng ở các vùng trồng tiêu nước ta tương đối nghèo nàn và không có nguồn gốc rõ ràng. Tất cả các giống đều bị nhiễm các loại sâu bệnh sinh ra từ đất ở mức độ khác nhau. Giống tiêu Vĩnh Linh chiếm ưu thế trong sản xuất nhờ có năng suất cao và tương đối ổn định, chín tập trung, tỷ lệ bệnh vàng lá thối rễ thấp hơn các giống tiêu khác. Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam đang nghiên cứu sản xuất giống tiêu ghép trên các loài tiêu dại có khả năng kháng bệnh rễ, tuy vậy kết quả chỉ mới bước đầu ghép sống và cũng chưa khả quan lắm trong việc trồng cây ghép ra sản xuất. Sản xuất cây giống sạch bệnh bằng kỹ thuật nuôi cấy mô cũng đã được nghiên cứu và đã đưa ra được quy trình công nghệ sản xuất cây giống tiêu nuôi cấy mô ở quy mô nhỏ (Nguyễn Tăng Tôn, 2005). Việc trồng các cây nuôi cấy mô ra đồng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thích hợp ra sao để tiếp tục ngăn ngừa sự tấn công của sâu bệnh cần được tiếp tục nghiên cứu.

Các đề tài nghiên cứu vừa kể trên đã đặc biệt chú trọng tới biện pháp trồng tiêu trên cây trụ sống như là một kiểu canh tác bền vững đối với hồ tiêu. Tuy năng suất hồ tiêu có thể thấp hơn cây trụ chết nhưng tính chất vật lý hóa học đất vườn được cải thiện rõ và vườn cây có tỷ lệ cây bị vàng lá thấp hơn các vườn tiêu trồng trên cây trụ chết. Các kết quả điều tra cũng bước đầu cho thấy trồng cây trụ sống có thể tiết kiệm được lượng nước tưới cho hồ tiêu, thậm chí nhiều vùng trồng trên cây trụ sống đã không cần tưới nước cho tiêu mà vẫn có thể đạt được năng suất khả quan (Tôn Nữ Tuấn Nam, 2005).

cây tiêu

Ở các vùng thâm canh hồ tiêu đang có hiện tượng lạm dụng phân bón hóa học. Một số vườn tiêu kinh doanh bị nhiễm vàng lá nặng vẫn có hàm lượng dinh dưỡng trong đất rất cao nhưng một số các chỉ tiêu vật lý đất như độ chặt và thành phần đoàn lạp bền trong nước lại kém hơn các vườn bình thường khác. Việc sử dụng phân khoáng liều cao đã ảnh hưởng như thế nào đến các vi sinh vật có lợi trong đất đối với canh tác hồ tiêu đã chưa được xem xét đến. Các thí nghiệm về phân bón cho tiêu, bao gồm phân hữu cơ, phân hóa học, phân bón lá cũng đã được thực hiện. Kết quả cho thấy phân hữu cơ luôn có tác động tốt tới cây hồ tiêu ở tất cả các thí nghiệm, phun phân bón lá 2-3 lần/năm có thể thay thế được phần nào lượng phân khoáng bón vào đất. Nhiều tác giả cho rằng sự cân bằng dinh dưỡng trong đất, nhất là bổ sung nhiều hợp chất hữu cơ vào đất, các vi sinh vật trong đất sẽ phát triển phong phú và chính quần thể vi sinh vật có ích này sẽ giúp cho cây trồng hấp thu đủ dinh dưỡng, phát triển khoẻ mạnh, tăng sức đề kháng sâu bệnh. Các vi sinh vật đối kháng phát triển phong phú sẽ khống chế kìm hãm các vi sinh vật gây bệnh, đây chính là hiệu quả của việc quản lí dịch hại dựa trên cơ sở bảo vệ cân bằng sinh thái trong đất.

Posted in: Tiêu
Hãy để lại nhận xét về bài viết này, chúng tôi sẽ ghi nhận và giúp đỡ bạn
hotline viện eakmat