Một trong những biện pháp kỹ thuật ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh trưởng và phát triển của cây điều chính là công tác phòng trừ cỏ dại kết hợp với bảo vệ đất bởi vì thông thường điều thường được trồng ở những nơi đất dốc nên khả năng bị xói mòn khi làm sạch cỏ dại sẽ cao hơn so với những loài cây khác. Tuy nhiên nếu không phòng trừ thì cỏ sẽ cạnh tranh dinh dưỡng với cây điều.
Bài viết này sẽ giúp bà con hiểu rõ hơn về tác hại của cỏ dại cũng như những loài cỏ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây điều để có biện pháp phòng trừ cho hợp lý.
Tác hại của cỏ dại.
- Cỏ dại cạnh tranh dinh dưỡng: Đây chính là tác hại đầu tiên mà bất kỳ ai cũng biết bởi trong quá trình sinh trưởng thì cỏ dại sẽ sử dụng nguồn dinh dưỡng có trong đất của cây điều, nếu chúng ta bón phân mà không diệt trừ cỏ dại thì cỏ sẽ làm thất thoát ngay một lượng lớn dinh dưỡng đã bón vào đất.
- Cỏ dại cạnh tranh nước: Cỏ dại sử dụng rất nhiều nước trong đất nên chúng làm giảm đi lượng nước có trong đất khiến cho khả năng cung cấp nước cho cây bị hạ thấp.
- Cỏ dại cạnh tranh ánh sáng: Cũng giống như dinh dưỡng, cỏ dại phát triển lớn cũng cạnh tranh ánh sáng với cây điều, nhất là những cây có khả năng phát triển mạnh và che lấp mất cây điều.
- Cỏ dại còn là nơi trú ẩn của rất nhiều loài sâu bệnh hại cho cây điều.
Tuy có nhiều tác hại đến sự sinh trưởng và phát triển của cây điều nhưng cỏ dại lại có tác dụng chống sự rửa trôi và xói mòn cho đất, làm thức ăn cho các loài vật nuôi hoặc nơi trú ngụ của các loại thiên địch nên không phải lúc nào cũng cần phải diệt sạch cỏ dại trong vườn điều để có hệ thống canh tác bền vững.
Các nhóm cỏ dại thường xuyên xuất hiện trên vườn điều.
Căn cứ theo đặc điểm hình thái bên ngoài thì có 3 nhóm cỏ dại thường xuyên xuất hiện trong vườn điều:
- Nhóm cỏ hòa thảo: có đặc điểm chính là rễ chùm, thân có phân đốt, lá có hình bẹ các phiến lá thường hẹp, gân lá song sóng. Đại diện chủ yếu của họ hòa thảo chính là cỏ tránh.
- Nhóm cỏ chác lác: có đặc điểm chính cũng là rễ chùm, thân thảo hình tam giác, thân khác đặc ruột, lá thường không có bẹ, phiến lá khá hẹp và cũng có gân lá song song, Đại diện chủ yếu của họ chác lác chính là cây cú hay còn được gọi là cỏ gấu.
- Nhóm cỏ lá rộng: có đặc điểm chính là rễ cọc, cây phát triển mạnh, thân gỗ đôi khi là thân mềm, lá khá rộng và có nhiều hình dạng khác nhau, gân lá có hình lưới. Đại diện chủ yếu của nhóm cỏ này chính là cây cỏ hôi.
Để có thể phòng trừ cỏ dại hợp lý chúng ta cần căn cứ vào giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cỏ, tuy nhiên bạn cần căn cứ vào loại thuốc diệt cỏ phù hợp theo từng nhóm cỏ thì mới có tác dụng hiệu quả nhất.