Bơ là loại cây ăn quả có giá trị dinh dưỡng cao, nhu cầu phát triển mạnh. Năng suất cây bơ lớn và kỹ thuật trồng không quá khó nên thường ưu tiên chọn lựa để phát triển và xây dựng kinh tế bền vững ở nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên cây bơ lại đòi hỏi điều kiện sinh thái cao, chỉ khi ở trong điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp cây bơ mới cho năng suất cao. Để chọn lựa được giống bơ phù hợp với điều kiện địa phương, chúng ta cùng tìm hiểu nguồn gốc, phân bố và phân loại các giống bơ để có chọn lựa chính xác nhất trước khi trồng.
1. Nguồn gốc.
Bơ có nguồn gốc đầu tiên ở tỉnh Puebla, Mexico với sự phát triển từ hàng trăm triệu năm trước, tiếp đó các giống bơ cổ được phát hiện tại Guatemala và quần đảo Antiles, những vùng này đều thuộc khí hậu nhiệt đới và thích hợp cho sự phát triển của cây bơ sau này.
Hiện nay có rất nhiều chủng bơ quan trọng được lai tạo từ những giống bơ cổ, mỗi họ đều có những đặc tính riêng, tuy nhiên các giống bơ được sử dụng nhiều và đem lại hiệu quả kinh tế cao đa phần là những giống bơ thuộc họ Lauracea gồm:
- Chủng Mexico thuộc loài Persea drymifolia
- Chủng Guatemala thuộc loài Persea americana Mill
- Chủng West Indian (Antilles) thuộc loài Persea americana Mill
Mỗi chủng loại bơ thường có những đặc tính khác nhau, từ đó thích hợp với những vùng sinh thái khác nhau.
2. Phân loại.
Chủng Mexico có nguồn gốc từ vùng núi cao và có khả năng chịu lạnh tốt
- Lá có màu xanh lục, mặt dưới màu nhạt hơn mặt trên và lá thường có mùi hôi anique khi bị vò nát.
- Hình dạng quả: hình thon dài giống quả lê, đu đủ.
- Hàm lượng chất béo đạt 15- 30%.
- Vỏ quả mỏng, bóng hơn khi chín, khi chín có màu xanh, vàng xanh hoặc đỏ tím.
- Hạt quả lớn, vỏ hạt mỏng và bề ngoài hạt trơn láng. Hạt chặt với phần thịt nên khi lắc thường không kêu.
- Thời gian từ khi ra hoa đến khi quả chín từ 8- 9 tháng.
- Chất lượng quả tốt, năng suất cao.
- Những giống nổi bật: giống Fuerte và giống Zutano, đây là những con lai giữa giống Mexico với Guatemala giúp tăng kích thước của quả và giúp vỏ quả nhẵn mịn hơn.
Chủng Guatemala có nguồn gốc từ vùng cao nguyên Mexico, chịu lạnh khá tốt.
- Lá có màu xanh thẫm, khi vò lá không có mùi hôi, đọt non màu đỏ tối.
- Hình dạng quả: quả thường hình tròn, hình thon dài. Cuống quả dài.
- Hàm lượng chất béo đạt 10- 15%.
- Vỏ quả dày và có sớ gỗ, da sần sùi, thô ráp khi chín thường có màu xanh lục hoặc nâu đen.
- Hạt nhỏ và gắn chặt vào phần thịt quả, bề ngoài hạt láng hoặc trơn láng.
- Thời gian từ khi ra hoa đến khi quả chín từ 9- 12 tháng.
- Chất lượng ngon.
- Những giống nổi bật: giống Hayes, giống Hopkins, giống bơ Hass.
Chủng West Indian (Antilles) có nguồn gốc từ Trung Mỹ, chịu lạnh kém nhưng lại có khả năng chịu nóng và chịu mặn cao.
- Lá to, có màu xanh đậm, màu sắc hai bên mặt lá tương đương nhau, khi vò lá không có mùi gì.
- Hình dáng quả: Quả to, dài, cuống trái ngắn. Vỏ trái ngắn và dai, hơi dày. Quả khi chín có màu hơi vàng.
- Hàm lượng chất béo đạt 3- 10 %, hạt quả lớn, không nằm sát vào quả nên khi lắc quả sẽ kêu. Hạy sần sùi, lớp vỏ hạt bao quanh không dính liền với hạt mà thường dính vào phần thịt quả.
- Thời gian từ khi quả ra hoa đến khi quả chín thường từ 6 – 9 tháng.
- Quả có chất béo thấp, vị nhạt ăn không bị ngán.
- Những giống nổi bật: Giống Pollock, giống Booth và giống Simmonds.
Đặc điểm phân biệt của 3 loại bơ có thể tham khảo trong bảng sau:
Hiện nay Viện Ea Kamat đã đầu tư nghiên cứu và tiến hành khảo nghiệm giống bơ Booth 7 và Booth 8 có điều kiện thích nghi lớn, thích hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới của nước ta. Với hàm lượng chất béo đạt 15%, vỏ quả dày, hạt chặt và phần thịt quả, trọng lượng quả thường đạt 350g và có thể bảo quản trong vòng 10 ngày đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Thời gian thu hoạch bơ Booth thường vào tháng 10 đến tháng 11, thuộc giống bơ chín nên giá thành cao.
3. Phân bố.
Bơ là loại quả yêu cầu cao về thổ nhưỡng cũng như khí hậu để thích hợp để phát triển, hiện nay quả bơ thường được trồng nhiều ở khu vực tây nguyên và đạt hiệu quả kinh tế cao, những khu vực trồng bơ tiêu biểu gồm:
- Vùng Đà Lạt: các loại giống thuộc chủng Mexico thường phân bố rộng tại đây nhờ khả năng chịu lạnh tốt.
- Vùng Đức Trọng, Đơn Dương, Bảo Lộc: Đây là những vùng có tỉ lệ chủng Antilles cao nhất.
- Vùng Di Linh: thích hợp với chủng Guatemala.
- Vùng Đắk Lắk được xem là vùng chuyên canh bơ của Tây Nguyên với diện tích trồng bơ đạt 2.700 ha với 80.000 hộ dân, sản lượng hàng năm đạt 40.000 tấn.
Hiện nay Viện EaKmat (Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên) đã lai tạo ra được 57 giống bơ mới từ những cây đầu dòng trong nước và 12 giống ngoại, tăng tỉ lệ thích nghi với môi trường, cho năng suất cao. Tùy vào điều kiện khí hậu ở địa phương bạn nên chọn giống bơ phù hợp để tăng hiệu quả cây trồng.