Quy trình kỹ thuật trồng bơ ngắn gọn giúp bà con nông dân dễ hiểu nhất để biết cách chăm sóc cây bơ hiệu quả đạt được năng suất cao nhất, tài liệu được cung cấp bởi Viện Eakmat chia sẻ.
1. Chuẩn bị đất trồng bơ
Cây bơ thích hợp trồng ở rất nhiều loại đất khác nhau, tuy nhiên đối với bà con Tây Nguyên thì đất đỏ bazan là phù hợp nhất, bên cạnh đó đất phù sa pha cát và bằng phẳng hoặt ít dốc cũng rất thích hợp để trồng cây bơ. Cây bơ không có khả năng chịu được ngập úng, nên khi trồng phải tính đến phương án thoát nước tốt nhất. Đất trồng cần phải sạch sẽ không được có cỏ rác và cần được cày bừa trước khi đào hố 1 vài lần cho tơi xốp, độ pH của đất thông thường phải ở mức 4 – 6. Nếu ở những vùng đất quá dốc thì cần thiết kế theo đường đồng mức, tạo băng để hạn chế xói mòn.
2. Chọn giống bơ phù hợp
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại giống bơ khác nhau như: bơ booth 7, bơ hass, bơ reed, bơ tứ quý… Bà con nông dân nên chọn lựa những loại giống tốt, chống chịu được với sâu bệnh và đặc biệt cây phải sinh trưởng khỏe mạnh. Tuy nhiên có rất nhiều cơ sở bán cây giống không quan tâm đến chất lượng cây giống đã bán ra thị trường nhiều giống không tốt và không đúng với tiêu chuẩn vì lợi nhuận. Theo lời khuyên của chúng tôi vieneakmat.vn thì bà con nên trồng 1 số loại bơ trái vụ như bơ booth để có hiệu quả về lâu dài, tránh đổ xô đi theo thị trường.
3. Thời vụ trồng bơ:
Đối với điều kiện đất đai và khí hậu Tây Nguyên nói chung, thích hợp nhất là vào tháng 6 đến tháng 7 dương lịch (tuy nhiên bà con nông dân vẫn có thể trồng vào mùa khô sau tết âm lịch)
4. Mật độ và khoảng cách:
– Trồng thuần: Khoảng cách trồng 6 x 8 m (đối với đất đỏ bazan) hoặc 4 x 6 m (đối với đất khác), với mật độ từ 200 – 400 cây/ ha.
– Trồng xen: Có thể trồng xen trong vườn cà phê, ca cao, chè,… trồng mới, tái canh (ghép cải tạo hoặc trồng lại) và vườn kinh doanh, khoảng cách trồng 9 x 12 m, xen ngã tư giữa 4 cây và ven lô. Mật độ khoảng 100 cây/ ha.
5. Đào hố trồng bơ:
Kích thước hố 50 x 50 x 50 cm, bón lót mỗi hố 20 – 25 kg phân chuồng hoai + 0,5 kg lân + 0,5 kg vôi. Khi đào nên để riêng lớp đất mặt sang 1 bên, sau khi bỏ phân gạt lớp đất này xuống và trộn đều trước khi trồng 1 tháng.
6. Cách trồng
Dùng dao rạch 1 đường dọc bầu Bơ sau đó bỏ túi nilon và cắt bỏ những rễ mọc dài ra khỏi bầu đất sau đó đặt xuống hố và lấp đất lại nén chặt đất xung quanh bầu đất, khi lấp đất nên vun đất tại gốc bơ cao hơn một chút nhằm mục đích hạn chế ứ đọng nước tại gốc khi gặp mưa lớn kéo dài. Ngay sau khi trồng cần cắm một cọc nhỏ bên cạnh gốc để cố định cây chống đổ gãy do mưa gió.Lưu ý khi mới trồng, nếu gặp trời nắng kéo dài cần tưới cho mỗi gốc khoảng 10 -20 lít nước. Cần thiết phải rải thêm khoảng từ 5 – 10 g Furadan 3H hoặc Confidor trước khi bỏ phân vào hố nhằm trừ mối và tuyến trùng.
7. Chăm sóc
a. Làm cỏ, bẻ chồi vượt và trồng xen: Trong thời kỳ cây còn nhỏ nên làm từ 4 – 5 đợt cỏ hàng năm vào mùa mưa với bán kính xung quanh gốc khoảng 1 -2 m. Trồng xen cây ngắn ngày như các loại đậu đỗ, lạc, vừng, khoai lang,… để hạn chế cỏ dại, tăng thu nhập và có tác dụng cải tạo đất. Thường xuyên bẻ chồi vượt mọc phía dưới vết ghép cho cây. Nên trồng 1 hàng cây chắn gió giữa các hàng bơ bằng hạt muồng hoa vàng hoặc Flemingia, xung quanh vườn bơ trồng 1 hàng keo dậu để bảo vệ. Trong mùa khô cần chú ý tủ gốc cho cây bơ nhỏ và phòng chống cháy.
b. Tỉa cành, tạo tán: Khi cây bước vào năm thứ 2 -3 thì tiến hành tạo tán, tỉa những cành bị sâu bệnh, sát mặt đất và các cành mọc ra từ thân trong khoảng từ 0,8 m đến 1 m tính từ mặt đất. Nên tỉa cành 2 lần/ 1 năm.
8. Phân bón
Bảng 1. Lượng phân bón cần thiết cho cây bơ thời kỳ kiến thiết cơ bản và kinh doanh (kg/cây)
* Ghi chú: Nếu bón NPK thì khỏi bón các loại phân đơn và ngược lại. Đây là lượng phân tối thiểu cần bón, nếu nông hộ có điều kiện đầu tư có thể tăng gấp 1,5 lần ở tất cả các loại phân bón trong bảng hướng dẫn này.
– Cách bón: Nên bón 2 – 3 đợt vào mùa mưa và khi bón cần vét rãnh sâu khoảng 5 – 10 cm quanh gốc khi mới trồng và tùy vào mép tán cây khi cây đã phát triển, rải phân đều xuống rãnh rồi lấp đất lại.
9. Tưới nước
Tùy vào điều kiện cụ thể của mùa khô, nên tưới nước từ 2 – 4 lần/năm. Trong các năm kiến thiết cơ bản nên tưới khoảng từ 40 – 60 lít/lần/cây, các năm kinh doanh nên tưới khoảng từ 200 – 400 lít/lần/cây.
10. Phòng trừ sâu, bệnh:
Thời kỳ kiến thiết cơ bản cây đang phát triển cành lá, thời điểm này có thể xuất hiện sâu ăn lá, đục cành. Một số loại thuốc trừ sâu như: Sherpa, Decis, Monceren,… thuốc trừ bệnh như: Agrifos, Aliette, Bordeaux, Ridomil, Confidor,… có thể được sử dụng (nồng độ, lượng dùng theo hướng dẫn trên bao bì) để phòng sâu, bệnh cho bơ. Khi cây bơ vào thời kỳ kinh doanh nên dùng Bordeaux 1:4:15 (01 CuSO4 + 04 CaO + 15 H2O) quét gốc từ mặt đất lên 1 m để phòng sâu đục thân.
11. Thu hoạch và bảo quản:
Cây bơ thường được thu hoạch chính vụ vào tháng 6 – 8, tuy vậy vẫn có thể sớm hơn vào tháng 3 – 5 hoặc muộn hơn đến tháng 9 – 11. Vào mùa thu hoạch nên thu hái khi trái đã già, trái có biểu hiện chuyển từ màu xanh sang màu tím. Lưu ý khi thu hoạch nên tránh gây tổn thương vỏ quả, không được để quả rụng xuống đất, không làm gãy cành hoặc rung cây, khi hái phải chừa lại phần cuống khoảng 1 – 2 cm và tiến hành phân loại quả theo kích cỡ.
Như vậy vieneakmat.vn đã chia sẽ tới bà con nông dân phương pháp kỹ thuật trồng và cách chăm sóc cây bơ tóm tắt và đầy đủ với mong muốn đem lại cho bà con nắm bắt những kiến thức về cây bơ một cách dễ hiểu nhất.
Ở phần sau chúng tôi sẽ gửi đến bà con tài liệu nghiên cứu một số giống bơ có năng suất cao tại các tỉnh phía Nam của VIỆN KHKT NÔNG LÂM NGHIỆP TÂY NGUYÊN. Để bà con có thể đưa ra cho mình sự lựa chọn giống bơ tốt phù hợp với vùng đất của mình